Năm 2020 với bất động sản nghỉ dưỡng có thực sự là cơ hội?
Bất động sản nghỉ dưỡng với những diễn biến lên xuống thất thường trong thời gian qua đang thực sự là mối bận tâm lớn của giới đầu tư ở thời điểm này. Sức hút từ phân khúc này khiến nhiều người nhìn nhận đây là lựa chọn tiềm năng. Tuy nhiên, với đặc trưng dễ chịu sự chi phối lớn từ thị trường, liệu bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có thêm hay mất đi cơ hội trong năm 2020?
Những dự đoán đầy khả quan
Thời điểm cuối 2019, khi các hội nghị, diễn đàn liên quan đến việc dự báo thị trường bất động sản năm 2020, giới chuyên môn không ngừng đưa ra những nhận định khả quan cho phân khúc nghỉ dưỡng sau suốt quãng thời gian dài nỗ lực thay đổi.
Theo các số liệu thống kê, du lịch Việt Nam đang đứng trước những cơ hội rất lớn khi số lượng khách tăng đều mỗi năm. Những dự báo trước đó cho thấy, đến năm 2020, Việt Nam sẽ đón khoảng 21 triệu lượt khách quốc tế; năm 2025 là 32 triệu lượt và tăng lên 47 triệu lượt vào năm 2030. Tăng trưởng bình quân của giai đoạn này từ 9 – 11%/năm.
Sức hút từ cảnh đẹp thiên nhiên, khí hậu và lợi thế đường bờ biển đẹp giúp chúng ta đón nhận làn sóng du lịch trong và ngoài nước khá ổn định. Do đó, Việt Nam nhanh chóng định hướng đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, làm đòn bẩy cho bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo đó, nhu cầu của du khách đặt ra sự đổi mới cho các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng, yêu cầu cần có sự thay đổi về hình thức và chất lượng. Cơ hội cho những sản phẩm và xu hướng mới được gợi mở. Các chuyên gia cho rằng, điểm quan trọng nhất của đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng trong năm nay là định hướng đúng và sử dụng dòng vốn linh hoạt.
Thị trường bất ngờ chịu tác động từ Covid-19
Chỉ sau dịp Tết Nguyên Đán vài ngày, khi thị trường đang rục rịch bước vào giai đoạn mới, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế đột ngột chững lại. Ảnh hưởng sớm nhất là ngành xuất khẩu hàng hóa nông sản và theo sau là ngành hàng không và du lịch, nghỉ dưỡng trong nước.
Dịch bùng nổ diện rộng khiến các quốc gia tăng cường hạn chế xuất nhập cảnh, đóng cửa nhiều nhà hàng, tụ điểm vui chơi, giải trí. Do đó, lượng du khách vào Việt Nam sụt giảm đáng kể. Các khách sạn, địa điểm lưu trú dù không có khách nhưng vẫn phải duy trì hoạt động và chi phí nhân viên, dẫn đến tình trạng doanh nghiệp phải cầm cự qua ngày, thậm chí là đóng cửa.
“Lượng khách của khách sạn giảm 60-70%, khách du lịch giảm 2 con số. Theo thống kê, ngành du lịch mất khoảng 7 tỷ USD do dịch bệnh”, ông Mai Tiến Dũng - chủ nhiệm Văn phòng chính phủ cho biết.
Có thể nói, đi ngược hoàn toàn với những dự báo khách quan trước đây, bất động sản nghỉ dưỡng đang đứng trước những đe dọa nghiêm trọng từ dịch bệnh, nếu càng kéo dài, chắc chắn thiệt hại không dừng lại ở con số 7 tỷ USD nói trên.
Có còn cơ hội nào trong năm 2020 cho bất động sản nghỉ dưỡng
Ở thời điểm này, doanh nghiệp đang có cái nhìn thận trọng hơn cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, trong cái nhìn khả quan về khả năng đầy lùi dịch bệnh, nhà đầu tư vẫn muốn đặt niềm tin vào phân khúc này trong tầm nhìn dài hạn.
Nhưng như một vài dự báo trước đó và đánh giá khách quan ở tình hình hiện tại, bất động sản nghỉ dưỡng phải khắc phục nhiều khó khăn đang tồn tại, đăc biệt là ở dòng sản phẩm condotel.
Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, từ năm 2018 - 2019, condotel có dấu hiệu chững lại dù trước đó, khi vừa xuất hiện, sản phẩm này rất được nhà đầu tư quan tâm và kỳ vọng trở thành nhân tố sáng giá trên thị trường.Số dự án condotel được thẩm định mới trong năm 2019 giảm 80% so với cao điểm. Trong quý III/2019, chỉ có 2.515 giao dịch thành công.
Cùng với tác động tiêu cực từ sự kiện dự án Cocobay không đảm bảo cam kết lợi nhuận, nhà đầu tư ngày càng dè dặt hơn với những hứa hẹn từ sản phẩm này.
Ngoài ra, năm 2020, bất động sản nghỉ dưỡng cũng gặp phải trở ngại khi nguồn vốn tín dụng bị siết chặt. Theo đó, khoản vay cho các doanh nghiệp thực hiện dự án bị hạn chế, giá bán vẫn duy trì ở mức cao và pháp lý vẫn là câu chuyện cần được đưa ra để giải quyết triệt để.
Tuy nhiên, khởi sắc trong năm nay có lẽ thuộc về xu hướng mới trên thị trường nghỉ dưỡng với lựa chọn ven đô. Đây đang là hình thức trên đà quay trở lại sau nhiều năm bỏ quên. Dòng sản phẩm này vẫn mang những ưu điểm của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nói chung nhưng giải quyết tốt hơn về vấn đề đổi mới, tiệm cận nhanh chóng với tâm lý khách hàng, đặc biệt là người trẻ.
Do đó, dù có rung lắc nhưng không thể phủ nhận, bất động sản nghỉ dưỡng về lâu dài vẫn mang tới những cơ hội cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, giai đoạn 2020 này nhà đầu tư cần có cái nhìn thận trọng và bám sát vào diễn biến chung của nền kinh tế.
Xem thêm:
- Lời khuyên chuyên gia cho nhà đầu tư BĐS năm 2020
- Các rủi ro đầu tư BĐS cần lưu ý
- Phân khúc BĐS nào là lựa chọn khôn ngoan năm 2020
Nhận xét
Đăng nhận xét