Thuê nhà rồi cho thuê lại: Món ngon nhưng có dễ ăn?
Xu hướng thuê nhà rồi cho thuê lại đang trở nên phổ biến với một bộ phận nhà đầu tư, nhất là người mới tham gia thị trường hoặc vốn mỏng.
Hình thức này có thể hiểu đơn giản là cá nhân bỏ tiền ra để thuê một căn nhà, sau đó phân phòng để cho nhiều người khác thuê lại hoặc đầu tư tu sửa, trang trí để cho thuê với giá cao hơn. Thuê nhà rồi cho thuê lại mang tới lợi ích cho cả 3 bên, bao gồm: chủ nhà, nhà đầu tư và khách thuê.
Bên chủ nhà vừa không bỏ phí tài sản, tạo ra nguồn thu nhập nhưng chẳng cần quá bận tâm về công tác quản lý. Nhà đầu tư thay vì cần đến số tiền lớn để mua nhà thì tiết kiệm hơn bằng việc thuê, khả năng thu hồi vốn nhanh. Còn với khách thuê, họ sẽ là người được hưởng những tiện nghi sống thoải mái nhất, đồng thời giảm bớt một phần chi phí nhà ở.
Liệt kê ra thì có vẻ đây là hình thức sinh lợi vô cùng “ngon lành”, nhưng liệu rằng có thực sự dễ ăn bởi rủi ro trong đầu tư bất động sản là điều không thể tránh khỏi. Chính vì vậy, trước khi bắt tay vào hình thức này, các nhà đầu tư nên cân nhắc những vấn đề dưới đây.
Lên danh sách các hạng mục theo khả năng
Muốn biết mình có phù hợp với mô hình này hay không và mong muốn đạt được sau đầu tư là gì, cá nhân cần cân đối mọi thứ theo năng lực của mình.
Bạn đang có số vốn bao nhiêu? Vốn không phải là yếu tố duy nhất quyết định đến kế hoạch đầu tư nhưng lại đóng vai trò quan trọng đối với việc lựa chọn sản phẩm, phương án thực hiện.
Xác định căn nhà phù hợp: căn nhà lý tưởng phải trả lời được cho các câu hỏi, như: ai là đối tượng khách hàng tiềm năng, số lượng muốn cho thuê là bao nhiêu, giá thuê hàng tháng như thế nào, chi phí cho phép bỏ ra để cải tạo,... Việc làm rõ những vấn đề này sẽ giúp bạn xác định được diện tích, giá thuê và vị trí của căn nhà sao cho phù hợp.
Các nguồn tiếp cận khách hàng: trong vài của một nhà kinh doanh, bản thân bạn phải tự biết cách để quảng bá sản phẩm của mình. Càng có người thuê sớm, nhà đầu tư sẽ càng giảm bớt nguy cơ bị lỗ. Do đó, bạn phải thử suy nghĩ xem mình nên tiếp cận qua những cách nào, có tốn chi phí quảng cáo hay không và cách thức nào thực sự đem lại hiệu quả.
….Và không quên liệt kê những rủi ro để chủ động đối phó
Theo đánh giá của các nhà đầu tư nhiều năm kinh nghiệm với mô hình này, nếu sở hữu rồi cho thuê thì lợi nhuận chỉ 5% – 10% mỗi năm nhưng thuê nhà rồi cho thuê lại thì lợi nhuận có thể lên đến 50% – 100% mỗi năm. Theo thời gian, nhu cầu nhà ở lên cao, đặc biệt, nếu may mắn thuê nhà ở vị trí thuận tiện thì lượng khách cũng như giá thuê sẽ dễ rất tăng cao, đẩy lợi nhuận lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, kinh doanh nhà ở là cả một quá trình và cần đến những điều chỉnh, thay đổi; chưa kể đến các yếu tố tác động khách quan từ thị trường. Do đó, món hời này vẫn luôn thường trực rủi ro, nếu không nhạy bén và thận trọng, nhà đầu tư cũng có thể gặp thất bại.
Rủi ro về cải tạo nhà: Trong một số trường hợp, việc cải tạo nhà khiến bạn vượt chi phí dự kiến một khoản kha khá. Tuy nhiên, sẽ khó khăn hơn nếu bạn không nhận được đồng thuận của chủ nhà vì bất kỳ lý do gì. Vì vậy, cần phải rõ ràng và thống nhất các điều khoản liên quan đến sửa chữa nhà. Để an toàn, nên cùng nhau thông qua bản thiết kế mới.
Rủi ro về cấu trúc căn nhà: Nếu muốn phân phòng cho thuê, nên chọn những căn càng tối giản càng tốt. Với các căn nhà có cấu trúc phức tạp rất khó khăn trong việc chỉnh sửa, nghiêm trọng hơn là phá hỏng thiết kế một cách nghiêm trọng.
Rủi ro khách thuê: không hẳn ai cũng mang tinh thần thiện chí và hợp tác khi thuê nhà. Do đó, bạn cần chuẩn bị sẵn tâm lý và thỏa thuận những quyền lợi, nghĩa vụ ràng buộc trong thời thuê để tránh gây hại cho chủ nhà, đồng thời giảm bớt gánh nặng quản lý cho chính mình.
Rủi ro vị trí: nếu ở khâu lựa chọn bạn không đánh giá đúng về vị thế, hạ tầng và giao thông thì có thể sẽ gặp bất lợi về những vấn đề như kẹt xe, ngập nước, xa các tiện ích,... như vậy, sẽ rất khó để thu hút được khách hàng.
Rủi ro hợp đồng thuê: nếu quá liều để ký hợp đồng dài hạn, nhà đầu tư có khả năng gồm mình trả tiền thuê trong khi lợi nhuận thu về từ việc cho thuê lại chưa được bao nhiêu; nhưng nếu ký hợp đồng quá ngắn hạn thì khả năng hoàn vốn lại không cao. Do đó, nhà đầu tư nên ước lượng khả năng của mình để lựa chọn thời hạn hợp lý.
Với thuê nhà rồi cho thuê lại, nếu nắm vững quy luật, nhà đầu tư có thể tạo ra 100 - 200% lợi nhuận trong thời gian ngắn. Nhưng như đã phân tích, bất kỳ “phi vụ” đầu tư nào cũng có thể phát sinh các yếu tố không mong muốn nên cần thiết lập một kế hoạch chi tiết trước khi bắt đầu.
Xem thêm:
Nhận xét
Đăng nhận xét